anhdungdecor@gmail.com
Mở cửa: Từ 8:00 đến 20:30 (Tất cả các ngày trong tuần)
Trò chơi dân gian Tò he
Trò chơi dân gian Tò he

 

Trò chơi dân gian Tò he

Đã có một thời gian, nghề làm tò he truyền thống này tuởng chừng như bị mai một do không cạnh tranh nổi với nhưng món đồ chơi nước ngoài. Đặc biệt là đồ chơi Trung Quốc vừa rẻ, bền đẹp lại đa dạng về mẫu mã, màu sắc. Tuy nhiên, nhờ những chính sách nhằm duy trì và phát triển các làng nghề truyền thống của Đảng và Chính phủ, làng nghề Xuân La đã và đang gìn giữ được một loại hình nghệ thuật đặc sắc của văn hoá dân gian.

Song, cũng như nhiều làng nghề truyền thống khác ở nước ta là đều vướng mắc ở “đầu ra”’ cho sản phẩm. Xuân La cũng đang vươn mình tìm đến những thị trường rộng lớn hơn. Người ta thích tò he không giống như sự yêu thích những thứ đồ chơi hiên đại, đắt tiền. Mà thích ở cái mộc mạc, đậm tính dân tộc của tò he, ở tính thủ công từ những đôi tay khéo léo. Sở dĩ tò he chưa được quảng bá rộng rãi ra nước ngoài là vì nhược điểm của chất liệu tạo ra chúng. Bột gạo rất rẻ và dẻo khi nặn nhưng lại không để được lâu, dễ bị mốc và khô, nứt. Mỗi sản phẩm tò he thông thường chỉ để được từ 3 đến 30 ngày (tuỳ thuộc vào tay nghề của thợ nặn, thời tiết và cách bảo quản). Gia đình nghệ nhân dân gian Đặng Văn Tố từng đón tiếp rất nhiều đoàn khách trong và ngoài nước đến tìm hiểu về nghề nặn tò he. Trong số những vị khách ấy, có không ít người đặt vấn đề đưa tò he ra nước ngoài. Thế nhưng sản phẩm làm ra, đem đóng hộp mang sang đến nước bạn thì bị khô nứt. Kế hoạch đưa tò he ra thị trường thế giới đành phải tạm dừng ...vô thời hạn!

 Một mặt, người dân Xuân La vẫn cố gắng duy trì nghề truyền thống của mình. Mặt khác, họ không ngừng thử nghiệm, tìm kiếm những chất liệu mới. Gia đình bà Diền là gia đình đầu tiên và duy nhất ở Xuân La thử nặn tò he bằng bột đao. Tò he làm bằng bột đao có thể để được rất lâu (khoảng 1năm) mà không sợ nứt, mốc. Nhưng nhược điểm là rất khó nặn và không đẹp bằng tò he làm từ chất liệu bột gạo. Hơn nữa, khi nặn xong phải đem luộc lại - mất rất nhiều thời gian. Vì vậy, thợ nặn phải làm trước ở nhà rồi mới đem bán. Chính điều này làm mất đi cái hay của tò he - người mua được chứng kiến tận mắt bàn tay khéo léo của thợ nặn.

Mong muốn lớn nhất của người dân Xuân La là có được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng trong việc định hướng phát triển cho làng nghề. Đặc biệt là sự giúp đỡ của các nhà khoa học trong việc nghiên cứu, tìm ra chất liệu mới để làm tò he không những đẹp mà còn bền hơn rất nhiều lần . Có như thế, làng nghề Xuân La mới phát triển hết nội lực của mình và tò he Việt Nam mới có thể bước chân vào “sân chơi” lớn hơn.

Tò he là sản phẩm đồ chơi dân gian độc đáo, vừa mang bản sắc dân tộc, vừa mang tính khoa học. Nó có tầm quan trọng trong cuộc sống, học tập, vui chơi giải trí và rèn luyện tính thẩm mỹ cho trẻ em. Những người tạo tác ra nó mặc dù chưa đủ nâng các sản phẩm của mình lên hàng mỹ nghệ (vì sản phẩm chỉ sử dụng trong khoảng từ 10 đến 30 ngày) nhưng các sản phẩm ấy đã để lại cho người xem những tình cảm thắm đượm. Ngôn ngữ khối trong tò he giàu tính biểu cảm, tính nhịp điệu mang nét gợi nhớ. Nó giản dị như ca dao, là tích tụ của trí tuệ nhân dân qua nhiều đời. Tò he thực sự là món ăn tinh thần rất gần gũi với người dân Việt Nam.